Ồn ào quanh cuộc đấu giá đất với mức kỷ lục gần 2,5 tỉ đồng/m² tại Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã tạm lắng, nhưng hệ lụy từ sự vụ này nổi lên khi giá đất tại TP.HCM lẫn cổ phiếu của nhiều công ty bất động sản, hạ tầng theo đó tăng vọt.
Mong chờ giải pháp kéo giá đất trở lại mặt đất
Ồn ào quanh cuộc đấu giá đất với mức kỷ lục gần 2,5 tỉ đồng/m² tại Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã tạm lắng, nhưng hệ lụy từ sự vụ này nổi lên khi giá đất tại TP.HCM lẫn cổ phiếu của nhiều công ty bất động sản, hạ tầng theo đó tăng vọt.
Những ngày qua, giá đất tại một số khu vực ở TP.Thủ Đức liên tục tăng. Đất ở P.Hiệp Bình Chánh trước đó có giá khoảng 6,35 tỉ đồng/100 m2 nay được rao bán 6,7 tỉ đồng/100 m2, đất ở P.Linh Đông khoảng 80 triệu đồng/m2, hiện bán 85 triệu đồng/m2. Tại khu Đông Thủ Thiêm, Nam Rạch Chiếc, Cát Lái, đảo Kim Cương, giá giao dịch trước đây 160 - 164 triệu đồng/m2 nay đạt mức 200 - 250 triệu đồng/m2. Dự án căn hộ trên đường Nguyễn Cơ Thạch mở bán năm 2020 khoảng 100 triệu đồng/m2, hiện đang giao dịch đến 140 - 150 triệu đồng/m2... Bên cạnh đó, cổ phiếu của các công ty bất động sản, xây dựng trên sàn chứng khoán cũng đua nhau đi lên.
Giá bất động sản chỉ tăng, không thấy giảm
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường Công ty DKRA VN, nhận định giá đất quanh khu vực Thủ Thiêm đang tăng. Ông cho rằng dù chưa biết mức tăng này thực hay ảo, nhưng sẽ tạo tâm lý cho thị trường và có thể lan tỏa đến các khu vực khác. Điều này còn đẩy giá bất động sản của VN nói chung và TP.HCM nói riêng tăng quá cao, hơn rất nhiều so với thu nhập của người dân.
Nhiều bạn đọc (BĐ) gửi ý kiến đến Thanh Niên, tỏ ra hoang mang trước thực tế này. BĐ Hakimlansg cho rằng: “Chỉ có lợi cho mấy anh thiệt giàu, còn dân lao động thì sao? Với mức lương trung bình hiện nay thì sau bao nhiêu năm một người lao động có được miếng đất an cư?”. Trong khi đó, BĐ Giang Nguyen nhìn nhận: “Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội, nhất là khi cả nước đang phải gồng gánh chống dịch Covid-19. Lạm phát ảo trên thị trường tăng mạnh. Mọi thứ bỗng chốc tăng giá mà không theo quy luật nào”.
BĐ Lam Kimlong nêu quan điểm: “Giá 1 m2 đất trên 2 tỉ đồng thì như một kinh tế gia nói, chỉ một thời gian sau thì những vùng gọi là đất vàng đó sẽ trở thành những khu nhà ma, những bãi đất hoang trống. Vì 1 căn nhà nhỏ 80 - 100 m2 trên mấy trăm tỉ đồng, những biệt thự sân vườn mấy ngàn tỉ đồng. Mức giá này có dành cho người dân hay nhà nước phải loay hoay với bài toán nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Đến một lúc nào đó, cái gọi là “căn hộ” chỉ vài mét vuông vừa ăn, ở, ngủ, nghỉ như Hồng Kông sẽ hiện diện trong thành phố này. Rồi thế hệ tương lai con em chúng ta sống ra sao? Đất đâu để “cắm dùi”, lớp trẻ tương lai rất sợ lập gia đình, vì có ăn mà không biết tìm đâu ra chỗ ở”.
Mong nhà nước lập lại trật tự cho thị trường nhà đất
Sau vụ đấu giá đất giá “khủng” ở Thủ Thiêm, nhiều nhà đầu tư, người trong ngành dự đoán giá bất động sản sẽ “tát nước theo mưa” như quy luật tất yếu của thị trường. Do đó, nhiều BĐ cho rằng nhà nước cần có giải pháp để việc đấu giá, quy hoạch, pháp lý được minh bạch, giá bất động sản không tăng ảo.
“Làm gì có giá trị thật ở thị trường bất động sản VN. GDP quốc gia chỉ vài trăm tỉ USD 1 năm mà giá đất cao nhất thế giới, cao hơn những quốc gia có GDP vài chục ngàn tỉ USD. Về vĩ mô, giá bất động sản VN cao ngất so với thế giới sẽ làm nền kinh tế bị lệch lạc, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế cả vi mô lẫn vĩ mô. Mong Chính phủ có giải pháp trước thực trạng này để nền kinh tế quốc gia phát triển đúng theo định hướng chiến lược, bền vững”, BĐ Nguyễn Văn Thành nêu. BĐ Dân Tui đồng quan điểm: “Nhà nước cần phải ra tay để đưa giá trị thực bất động sản hiện nay trở lại. Để bất động sản chạy theo giá trị ảo, nền kinh tế khó vững bền”.
Cũng có ý kiến, như của BĐ Minh Nguyen, rằng: “Nếu xảy ra bong bóng bất động sản, đề nghị nhà nước và Chính phủ không can thiệp, hãy để thị trường tự do quyết định, lời ăn lỗ phá sản...”. Tuy nhiên, hầu hết BĐ đề nghị nhà quản lý cần có sự điều chỉnh, can thiệp mạnh hơn vào thị trường nhà đất.
BĐ Van Duc Pham đề xuất: “Tuy giá đất cao sẽ đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách nhà nước, nhưng lại gây ảnh hưởng xấu tới đại đa số người dân. Đại đa số người dân tích góp cả đời để mua nhà ở, trong khi thiểu số đầu tư bất động sản trở nên giàu có nhanh chóng. Nhà nước cần có chính sách mạnh tay để kéo giá đất trở lại mặt đất, xử lý mạnh những kẻ đầu cơ, lũng đoạn thị trường, tăng mạnh thuế đánh vào bất động sản và buôn bán bất động sản. Không thể để người dân bình thường phấn đấu cả đời không mua nổi 1 căn hộ chung cư thành phố”.
Gửi bình luận của bạn